Trước bất lợi do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, thị trường đã ghi nhận sự chuyển động linh hoạt của doanh nghiệp với những chiêu kinh doanh nhằm hạn chế giảm doanh số.
Giao hàng tận nơi cho khách
Sở hữu hệ thống gần 20 chi nhánh nhà hàng chuyên bán đồ Nhật mang thương hiệu Tokyo Deli tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, trước tình trạng vắng khách do dịch Covid-19, ông chủ của hệ thống nhà hàng này đã áp dụng các chính sách mới để chống thất thu.
Liên tục trong gần 1 tuần nay, một trong những nhiệm vụ của nhân viên Tokyo Deli khu vực Time City – một trong 5 chi nhánh của nhà hàng này tại Hà Nội, là thực hiện những cuộc gọi với khách hàng để thông báo về chiến dịch chuyển đồ ăn tới tận nhà, miễn phí trong bán kính 5 km cho khách hàng.
Cũng giống như nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, Tokyo Deli không tránh khỏi sụt giảm về lượng khách hàng. Lượng khách đến với nhà hàng này trong nhiều ngày qua ghi nhận giảm hơn 50% so với thời điểm trước dịch.
“Trong bối cảnh phần lớn khách hàng ngại đến chỗ đông người, để chủ động phòng chống dịch, chúng tôi đang triển khai dịch vụ Tokyo Deli in your home – giao hàng tận nơi trên toàn bộ menu 200 món cho khách hàng và miễn phí đưa hàng cho khách”, chị Ngọc Mai, quản lý hệ thống Tokyo Deli tại T4 Time city cho biết.
Được biết, Tokyo Deli được thành lập với sự hợp tác giữa Công ty Okamura Foods – Japan (công ty nổi tiếng tại Nhật trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và phân phối các sản phẩm thủy – hải sản tại Nhật Bản và châu Âu) và Công ty cổ phần Thực phẩm Trung Sơn (có 15 năm kinh nghiệm nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu hải sản cao cấp cho thị trường Nhật). Áp dụng giải pháp này, hệ thống Tokyo Deli hy vọng giữ được doanh số bán hàng, duy trì được hoạt động kinh doanh cũng như phục vụ được khách hàng truyền thống, từ đó phát triển thêm khách hàng mới.
Với hệ thống bán lẻ máy tính, điện thoại và hàng công nghệ FPT Shop, thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tuy không phải lĩnh vực nhà hàng, nhưng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi nhiều khách hàng ngại đến cửa hàng.
Bà Huỳnh Anh, đại diện FPT Retail cho hay, kinh doanh trực tuyến là mảng được doanh nghiệp chú trọng từ vài năm nay và loại hình này đã thực sự phát huy tác dụng trong thời điểm người tiêu dùng ít đến những nơi mua bán đông người.
Năm 2019, FPT Retail đạt doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2018, trong đó mảng online đóng góp 3.899 tỷ đồng, tăng trưởng 60% và chiếm tỷ trọng 23% tổng doanh thu của Công ty.
Tập trung mạnh vào mảng kinh doanh online, FPT Retail cũng chú trọng đến khâu sau bán hàng để tạo được sự tin cậy lớn nhất với khách hàng. Các chương trình ưu đãi tiếp tục được nhà bán lẻ này “bắt tay” với tổ chức tài chính, ngân hàng để kích cầu bán sản phẩm, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng khách hàng sắm được món đồ công nghệ đúng nhu cầu.
Giảm giá, kích thích tiêu dùng
Nếu du lịch – khách sạn, bán lẻ, kinh doanh ăn uống và sản xuất – hậu cần là những ngành đang bị thiệt hại lớn, thì các ngành nghề ít bị ảnh hưởng là mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, lắp ráp ô tô, thực phẩm đóng hộp, dịch vụ vệ sinh công nghiệp.
Trong khoảng thời gian này, có những mặt hàng bỗng dưng bật tăng doanh số nhờ nhu cầu thị trường tăng vọt. Câu chuyện này đúng với các nhà bán lẻ công nghệ. Đơn cử, FPT Retail đã chớp được thời cơ tăng mạnh lượng máy tính xách tay và máy tính bảng bán ra do nhu cầu của các gia đình phục vụ học trực tuyến cho các con trong thời gian không đến trường vì dịch.
Nhu cầu lớn, song do các doanh nghiệp bán lẻ đã tích trữ đủ lượng hàng từ trước Tết, nên nguồn cung ra thị trường vẫn dồi dào, dù thương mại quốc tế ít nhiều bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Đại diện FPT Retail cho hay, nhờ sự tăng vọt doanh số của các mặt hàng máy tính bảng, laptop đã giúp doanh nghiệp bù đắp vào sự sụt giảm của các mặt hàng khác như điện thoại, phụ kiện… “Dù đắt hàng và thêm công giao hàng tận nơi, nhưng chúng tôi không vì thế mà tăng giá, thậm chí có những mặt hàng còn giảm giá để kích thích tiêu dùng”, đại diện FPT Retail nói.
Đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến cũng không ngoại lệ với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng trong mùa dịch, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, làm việc thường xuyên với các nhà cung cấp, giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mua sắm hàng thiết yếu với giá tốt nhất.
“Riêng chuỗi siêu thị Coopmart cũng nâng cấp thêm mảng bán hàng trực tuyến, giải quyết vấn đề hạn chế tới nơi công cộng vào mùa dịch của khách hàng. Theo đó, ngoài mua hàng trực tiếp tại siêu thị, khách hàng có thể đặt hàng gián tiếp qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, hoặc mua hàng trực tuyến qua website: Coopmart.vn, sau đó siêu thị sẽ giao hàng tận nhà”, ông Huy thông tin.
Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research cho thấy, việc tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh tại nhà dự kiến vẫn duy trì tăng trưởng và bị ảnh hưởng ít hơn so với tiêu dùng bên ngoài. Chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân được tiêu thụ nhiều hơn do tăng nhu cầu tự bảo vệ bản thân. Thực phẩm lành mạnh như trái cây, nước ép trái cây, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch sẽ có chiều hướng tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như mì ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ…
Thế Hải